Những khu biệt thự được xây dựng trái phép tại xã Dương Tơ, Phú Quốc, ngay tại các lối dẫn vào vẫn nguyên hiện trạng rào chắn. Các đống cát và hố sâu do tổ công tác đặc biệt tỉnh Kiên Giang tạo ra cách đây mấy ngày vẫn còn y nguyên.
Ông Thái Duy Châu – người ở TP.Hồ Chí Minh đã mua miếng đất 1.000m2 này vào năm 2021 với giá 6 tỉ đồng và bỏ thêm hơn 3 tỉ đồng để xây dựng nhà. Nhà ông Châu là một trong các “biệt thự xây dựng trái phép” vốn dĩ nằm ở mặt tiền con đường lớn, nhưng do đã bị rào lối chính, ông phải dẫn khách đi nhờ qua một lối hở bên hàng rào nhà hàng xóm để vào.
Mua vì “thấy đẹp”
“Tôi mua của người quen, chỉ là giấy tay. Những đường đẹp như thế này, xung quanh người ta xây dựng đầy ra, rồi điện đèn gì cũng có sẵn. Tôi cũng biết đây là nơi làm quy hoạch khu thương mại dịch vụ, nhưng nghĩ đơn giản rồi cũng sẽ bỏ quy hoạch. Cả mấy tháng xây dựng, tôi không thấy ai hỏi han gì. Với lại cả Phú Quốc này xây dựng trái phép rất nhiều nên tôi vững tin xây nhà để ở”, ông Châu nói.
Những người hàng xóm cũng nằm trong khu biệt thự này hầu hết đều như ông Châu, mua theo “giấy tay” ký kết, thỏa thuận giữa người bán và người mua. Cả khu biệt thự được tổ công tác đặc biệt xác định có 79 căn nhà xây trái phép trên diện tích hơn 18ha và bị cắt điện, chắn lối đi. Ngoài căn nhà ông Châu đã có sẵn hệ thống điện năng lượng mặt trời, còn lại các nhà khác phải chạy máy phát điện để sinh hoạt.
Tháng 5/2022 vừa qua, TP Phú Quốc cũng đã cưỡng chế đập bỏ 50 căn nhà trọ của ông Trần Văn Thọ trong khu đất hơn 5ha nằm gần khu biệt thự trái phép. Trước đó, cho rằng hơn 5ha đất của ông Thọ thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Phú Quốc đã được giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1998 của tỉnh Kiên Giang, TP Phú Quốc đã ra quyết định xử phạt hành chính, yêu cầu khắc phục khi ông Thọ xây các công trình trên phần đất này.
“Tôi ra Phú Quốc làm xây dựng từ năm 1987, lúc bấy giờ ở đây bỏ hoang thì đúng hơn chứ có còn rừng đâu. Năm 2008, địa phương nói đất rừng phòng hộ rồi đòi bồi thường hơn 10ha đất của tôi với giá 132 triệu đồng. Quá ít nên tôi không đồng ý nhận. Sau đó, địa phương lại đòi thu hồi hơn 5ha này để giao cho một công ty khác thuê làm du lịch nên đòi cưỡng chế khu đất của tôi”, ông Thọ nói.
Ông Thọ khiếu kiện quyết định xử phạt hành chính và quyết định buộc khắc phục hậu quả đối với khu đất hơn 5ha này. Tháng 7-2020, TAND tỉnh Kiên Giang đã xử sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Thọ, tuyên hủy toàn bộ các quyết định của địa phương.
Tuy nhiên, tháng 3 vừa qua, TAND cấp cao tại TP.HCM đã xử phiên phúc thẩm, chấp nhận kháng cáo của UBND TP Phú Quốc, sửa toàn bộ bản án sơ thẩm và bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Thọ. “Tôi đang làm thủ tục giám đốc thẩm thì địa phương đã cho cưỡng chế”, ông Thọ nói.
Sở dĩ ông Thọ cho biết sẽ kiện tới cùng vì ông còn nhiều héc ta đất trong khu Bãi Trường này, nằm ngay cạnh bên khu biệt thự trái phép kể trên. Một số khu đất cũng đã được xây nhà, bán lại cho người khác. Một số khu đã được xây dựng thành nhà nghỉ để kinh doanh.
Không thể bao trùm được quản lý khi lực lượng mỏng
Ông Trương Thanh Hào – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ phó tổ công tác đặc biệt – cho biết việc phát hiện các căn biệt thự trái phép trong khu hơn 18ha tại ấp Đường Bào chỉ là bước khởi đầu.
“Tình trạng chung là đất khu Bãi Trường này vốn là đất của rừng phòng hộ. Sau khi điều chỉnh quy hoạch Phú Quốc thì trở thành đất nông nghiệp được quy hoạch thành khu du lịch, thương mại về sau. UBND tỉnh Kiên Giang đã có quyết định thu hồi đất và giao địa phương quản lý”, ông Hào nói.
Theo ông Hào, do tình trạng xây dựng ở đây khá phức tạp nên tổ công tác đặc biệt vẫn quyết định phải cho rà soát lại một lần nữa, yêu cầu những người dân đã xây dựng trong khu vực này trình bày các giấy tờ về nguồn gốc đất đai mà họ có.
“Sau khu vực 18ha có các căn biệt thự trái phép này, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát các khu vực lân cận trong Bãi Trường để chấn chỉnh nạn xây dựng trái phép, thu hồi lại đất công”, ông Hào nói thêm.
Để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép ồ ạt tại khu Bãi Trường trong thời gian qua, ông Huỳnh Văn Nhân – chủ tịch UBND xã Dương Tơ, TP Phú Quốc – cho biết: “Địa phương có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 8.000ha và có khoảng 108 dự án, lực lượng mỏng nên không thể quán xuyến hết được”.
Theo ông Nhân, khoảng năm 2019, UBND xã cũng đã đến kiểm tra, lập biên bản, xử phạt và cưỡng chế buộc tháo dỡ 12 căn biệt thự xây dựng không phép trên đất nhà nước quản lý. “Tuy nhiên, thời gian sau, do ảnh hưởng dịch COVID-19 và lợi dụng thứ bảy, chủ nhật nên một số tổ chức và cá nhân đã xây dựng biệt thự, nhà ở trái phép. Hiện địa phương ghi nhận và lập biên bản hơn 79 căn biệt thự không phép”.
Bài viết liên quan:
- Phú Quốc: Xử lý nghiêm gần 80 biệt thự xây trái phép trên đất công
- Tổ công tác Phú Quốc ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất rừng phòng hộ