Kiên Giang tập trung xây dựng thành phố Phú Quốc sớm đạt các tiêu chí cơ bản của đô thị loại I, gắn với phát triển kinh tế-xã hội bền vững, đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực chất lượng. Xây dựng thành phố Phú Quốc trở thành động lực phát triển của tỉnh, trung tâm du lịch, dịch vụ cao cấp của quốc gia và thế giới. Phú Quốc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Thị trường bất động sản Phú Quốc tiếp tục phát triển mạnh
- Năm 2022,Phú Quốc là trọng điểm kinh tế của Kiên Giang
Đẩy mạnh phát triển du lịch theo chiều sâu, chất lượng cao và bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Phú Quốc. Xây dựng thương hiệu cho du lịch Phú Quốc với nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo, riêng biệt, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Phấn đấu đến năm 2025, sẽ đạt 10 triệu lượt du khách tham quan, du lịch, tăng bình quân 27,2%/năm; trong đó, khách quốc tế 4 triệu lượt du khách trở lên.
Phú Quốc cũng sẽ tập trung nguồn lực xây dựng cơ bản hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên đảo, kiến nghị đầu tư đường hạ cất cánh số 2 và nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Đồng thời khai thác có hiệu quả Cảng hành khách quốc tế Dương Đông, Cảng quốc tế An Thới, Cảng Vịnh Đầm; đầu tư mở rộng Cảng Bãi Vòng và kêu gọi đầu tư Cảng tổng hợp mũi Đất Đỏ.
Phú Quốc cũng chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ như tài chính, ngân hàng, viễn thông, vận tải, y tế, thương mại… nhằm phục vụ nhân dân địa phương, cũng như đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Phú Quốc thực hiện dự án khu phi thuế quan, kêu gọi đầu tư hạ tầng thương mại hai trung tâm thương mại Dương Đông và An Thới, hệ thống siêu thị và các chợ xã.