Đối với giới đầu tư bất động sản, giá đất Phú Quốc cao không phải là điều khó hiểu, tuy nhiên, mức độ leo thang giá đất tại Phú Quốc hiện nay vượt ra ngoài tầm dự tính, tình hình thế nào và lý do vì đâu?
Những mức giá không tưởng cho bất động sản “đặc khu”
Hiện nay, tuyến đường Nguyễn Trung Trực – con đường nối liền thị trấn Dương Đông với xã Bãi Thơm, ở những vị trí đắc địa giá đất đều đang rất cao. Từ cầu Nguyễn Trung Trực đến vòng xoay sân bay cũ có giá 100-150 triệu đồng/m2; từ vòng xoay sân bay cũ đến ngã ba Hoàng Văn Thụ, giá chào bán 90-120 triệu đồng/m2.
Đất trên trục đường Trần Hưng Đạo – con đường chính qua lại khu vực bãi biển Long Beach, tùy từng vị trí, giá dao động từ 60-120 triệu đồng/m2. Đường 30/4 – tuyến đường chính ở thị trấn Dương Đông có giá bán từ 100-180 triệu đồng/m2. Giá đất trên đường Hùng Vương cũng không hề rẻ, mức giá dao động từ 60-110 triệu đồng/m2.
Theo giới đầu tư và môi giới địa phương thì những tuyến đường này đều tọa lạc tại các vị trí đắc địa, trung tâm của Phú Quốc – nơi dân cư hiện hữu đông đúc, hoạt động giao thương mua bán diễn ra sầm uất nên mức giá trên phản ánh đúng giá trị của đất, tương xứng với hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội và tiềm năng kinh doanh. Sau những biến cố về mặt chính sách, đất Phú Quốc ở những tuyến đường trên không sụt giảm giá dù giao dịch có chững lại.
Thị trường trầm lắng mà giá vẫn cao
Sau những đợt sốt bỏng tay do thông tin lên đặc khu từ 2 năm trước, thị trường Phú Quốc đã chững lại một thời gian dài. Dù trầm lắng nhưng đất Phú Quốc vẫn neo giá cao ở nhiều vị trí, khu vực.
Phú Quốc đã và đang trải qua giai đoạn ảm đạm kéo dài từ giữa năm 2018 đến nay. Những thông tin tích cực về quy hoạch, hạ tầng trong khoảng thời gian sau đó không đủ lực để kích sóng thị trường này.
Đơn cử, cuối năm 2019, tỉnh Kiên Giang đề xuất đưa huyện Phú Quốc lên thành phố, đồng nghĩa Phú Quốc trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam. Tiếp đó, vào tháng 3/2020, theo sự chấp thuận về chủ trương của Ban thường vụ Tỉnh uỷ Kiên Giang, UBND tỉnh Kiên Giang gỡ bỏ lệnh dừng phân lô, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc. Như vậy, lệnh tạm dừng phân lô, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Phú Quốc mà tỉnh này đưa ra gần 2 năm trước chính thức được gỡ bỏ. Thế nhưng những thông tin này không đủ sức kích hoạt thị trường, tạo nên những con sóng lớn như thời điểm 2 năm trước. Cùng với đó, đại dịch Covid-19 kéo dài đã khiến thị trường nơi đây không thoát khỏi kịch bản ảm đạm chung. Đáng chú ý, bất chấp sự trầm lắng kéo dài, giá đất tại nhiều vị trí trung tâm Phú Quốc vẫn đang neo ở mức cao và không có dấu hiệu sụt giảm.
Đến thời điểm hiện tại, đất Phú Quốc giảm giá mạnh nhất sau khi thông tin lên đặc khu bị hoãn là đất công và các loại đất thuộc quy hoạch không phải là đất ở, đất thương mại dịch vụ. Trong giai đoạn cao trào sốt đất, giá của những loại đất này nhảy múa theo giờ, theo ngày. Có những công đất, buổi sáng còn được chào giá 1,5 tỷ thì chiều giá đã vọt lên 2-2,5 tỷ. Khi cơn sốt hạ nhiệt, những loại đất này lao dốc không phanh. Giá bán sụt giảm một nửa, cắt lỗ sâu nhưng người hỏi mua rất ít. Phân khúc đất rừng, đất ruộng sang tay, không có sổ đóng băng hoàn toàn.Thị trường túc tắc giao dịch ở trong các khu dân cư 67,5 ha, 10 ha, khu dân cư Suối Lớn – nơi pháp lý, quy hoạch rõ ràng và cộng đồng dân cư hiện hữu.
Nguồn tham khảo: Batdongsan.com