Theo nhiều thống kê gần đây, tốc độ tăng dân số của Phú Quốc 18% mỗi năm, gấp 3 lần Hà Nội. Song song với tốc độ gia tăng dân số là tốc độ phát triển kinh tế không ngừng của huyện đảo này trong những năm trở lại đây. Điều này chứng tỏ diện mạo Phú Quốc bắt đầu thay da đổi thịt hằng ngày và hàng loạt nhà đầu tư lớn đổ vào đây, làm cho thị trường bất động sản phát triển rất mạnh.
Xem thêm: Mong mỏi Phú Quốc khoác lên mình chiếc áo mới “thành phố đảo”
Dân số tăng lên không ngừng, tốc độ đô thị hóa nhanh
Trước năm 1975 dân số trên đảo chỉ hơn 5000 người. Sau năm 1975, dân số trên đảo tăng lên nhanh chóng do hiện tượng di dân. Đến năm 2015, theo thống kê của tỉnh Kiên Giang dân cư sinh sống trên đảo đã lên đến trên 101.407 người, với mật độ dân số là 172 người/km². Đến 1/4/2019, dân số của huyện Phú Quốc là 146.028 người, mật độ dân số đạt 247 người/km² với 75.862 người là dân thành thị.
Các khu dân cư chính:
- Thị trấn Dương Đông
- Thị trấn An Thới
- Làng chài Hàm Ninh
- Làng chài Cửa Cạn
- Xã đảo Hòn Thơm
Cuối năm 2019, nhận thấy tốc độ đô thị hóa nhanh, tỉnh Kiên Giang đề xuất thành lập 2 phường Dương Đông, An Thới trực thuộc TP Phú Quốc. Theo đánh giá của UBND tỉnh Kiên Giang, đây là 2 địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao, đáp ứng đủ tiêu chí lên phường để thành lập TP Phú Quốc.
Kết quả rà soát, đánh giá của UBND tỉnh Kiên Giang cho thấy huyện đảo Phú Quốc rộng khoảng 58.900 ha, dân số khoảng 157.400 người, gồm 2 thị trấn, 8 đơn vị hành chính cấp xã.
Thị trấn Dương Đông có diện tích khoảng 1.500 ha, dân số 46.300 người và đạt đủ 12 tiêu chuẩn (đất cho công trình giáo dục mầm non, cơ sở y tế, chợ và siêu thị, đất cây xanh, đất giao thông, cấp điện sinh hoạt, đường phố chính được chiếu sáng, tỉ lệ dân dùng nước sạch…) để thành lập phường.
Tương tự, việc lập phường An Thới trên cơ sở sáp nhập thị trấn An Thới với xã Hòn Thơm cũng đáp ứng đủ 12 tiêu chí lên phường. Sau sáp nhập, phường An Thới có diện tích khoảng 3.400 ha, dân số khoảng 36.400 người.
Dân số phát triển kéo theo các nguồn lực kinh tế – xã hội phát triển
Phú Quốc hiện có tỷ lệ nhà ở kiên cố khu vực nội thị đạt trên 70%. Hệ thống đường giao thông nội thị của huyện đảo dài 60,72km. Các phương tiện vận tải thủy là phương tiện nối liền giữa Phú Quốc và đất liền cũng như với các đảo khác. Tỷ lệ dân được cấp nước sạch tại Dương Đông và An Thới khoảng từ 65-67,04%… Phú Quốc hiện cũng đang xây dựng quy chế quản lý kiến trúc toàn đô thị theo quy hoạch được duyệt và quy chế quản lý kiến trúc từng khu vực của đô thị. Đặc biệt, Phú Quốc có 1 khu đô thị mới quy mô 67,5ha được xây dựng…
Những năm qua thị trấn Dương Đông, An Thới và xã Hòn Thơm thu hút nhiều nguồn lực đầu tư của xã hội, hạ tầng được đầu tư đồng bộ theo tiêu chí đô thị văn minh, hiện đại.
Để khai thác mọi tiềm năng của khu vực, đẩy mạnh phát triển các ngành du lịch, dịch vụ, thương mại, tỉnh Kiên Giang đề xuất thành lập phường Dương Đông gồm toàn bộ diện tích thị trấn Dương Đông, lập phường An Thới trên cơ sở sáp nhập thị trấn An Thới với xã Hòn Thơm.
Theo quy hoạch, đến năm 2020 Phú Quốc sẽ phát triển khoảng 2.400 ha đất đô thị, quy mô dân số 300.000 người. Trong đó, 3 đô thị lớn gồm Dương Đông, An Thới và Cửa Cạn cùng với 5 khu nghỉ dưỡng sinh thái, định hướng phát triển thành một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tầm cỡ quốc tế, khả năng đón khoảng 3 triệu lượt khách vào năm 2020 với Bãi Trường là trung tâm du lịch, dịch vụ và nghỉ dưỡng.
Xem thêm: Bãi Trường tập hợp nhiều dự án khủng nhất nhì Phú Quốc
Phú Quốc hiện đang chỉ mới bắt đầu trong quá trình phát triển, đổi mới, xây dựng hạ tầng, chính sách, song diện mạo bắt đầu thay da đổi thịt hằng ngày và hàng loạt nhà đầu tư lớn đổ vào đây, làm cho thị trường bất động sản phát triển rất mạnh. Chính vì thế, nhiều nhà đầu tư ví Phú Quốc như “thỏi nam châm”-thể hiện sức mạnh của sự thu hút đầu tư vào vùng biển đảo này.