Phú Quốc lên thành phố, nhiều môi giới bất động sản tỏ ra bận bịu. Tuy nhiên, khách hàng phần lớn chỉ đi xem đất, còn việc ký hợp đồng mua bán khá hiếm hoi.
Ba tháng qua, “cò đất” ở Phú Quốc xuất hiện nhiều ở các quán giải khát tại trung tâm phường Dương Đông. Nhiều khách du lịch có tiền từ TP.HCM và các tỉnh lân cận khi đến Phú Quốc cũng muốn tìm hiểu về thị trường bất động sản Phú Quốc qua, em mới giới thiệu cho một ông khách ở Cần Thơ mua nền nhà giá 5 tỷ đồng tại xã Dương Tơ. Em còn 2 nền giá 6 tỷ, để em đưa anh đi xem”, một cô gái quê Đồng Tháp nói.
Tái diễn cảnh phân lô bán nền
Dọc theo 2 bên đường từ phường Dương Đông về xã Cửa Cạn và Dương Tơ có rất nhiều khu đất từng được rao bán 2-3 tỷ đồng mỗi nền cách đây 3 năm. Tuy nhiên, những khu này đang trong tình trạng “trùm mền”, cây cối mọc um tùm vì cơ quan chức năng không cho tách thửa nhỏ lẻ trên đất nông nghiệp.
Mặc dù bong bóng bất động sản tại Phú Quốc đã vỡ, vẫn còn nhiều người dựng bảng ven đường với nội dung bán đất nền giá 300 triệu đồng kèm số điện thoại. Khách du lịch thấy giá rẻ nên dành thời gian đi xem đất và đặt cọc. Họ hy vọng có nền nhà tại đảo ngọc nhưng chính quyền sở tại khuyến cáo không nên mua.
Tại xã Cửa Cạn, phóng viên được người môi giới đưa vào cuối con đường bê tông ở ấp 3. Tại đây có khu đất rộng khoảng 2 ha đang được phân lô bán nền.
Thấy khách lạ, người đàn ông ngoài 30 tuổi đang kéo dây phân lô đã tiếp thị đất nền có giá 250 triệu đồng. Anh này cho biết khu vực đang phân lô thuộc đất cây lâu năm nhưng nằm trong quy hoạch đất thương mại dịch vụ.
“Đất chưa có quy hoạch 1/2.000. Sau này có quy hoạch nhỏ thì sẽ phân vùng ra khu vực này là thương mại dịch vụ. Làm thương mại dịch vụ thì anh muốn chuyển đổi bao nhiêu chuyển đổi. Còn thổ cư từng nền riêng vào thời điểm này địa phương không cho tách, không cho lên thổ cư khu đất này”, người bán đất nói.
Chủ đất còn giới thiệu với phóng viên khu vực cạnh con suối có một ngôi nhà lục giác đang được dựng lên “để anh em ăn nhậu và khách đứng nhìn rộng ra toàn khu”.
“Nếu anh thích tôi bán chỗ này cho anh xây biệt thự nhỏ. Tôi đang khoan giếng để cung cấp nước cho người dân mua nền cất nhà ở đây. Điện đã được kéo rồi”, chủ đất chia sẻ.
Không có chuyện sốt đất
Ông Du Việt Thanh, Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn, TP Phú Quốc cho biết khu đất tại ấp 3 mà phóng viên đề cập là phân lô trái phép. Ngoài việc theo dõi, xử lý tình trạng mua bán “đất chỉ”, chính quyền địa phương đang đẩy mạnh kiểm tra các khu dân cư tự phát và phân lô bán nền trên đất nông nghiệp.
Theo ông Bùi Đức Tiến, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Phú Quốc, thời điểm sốt đất 3 năm trước mỗi ngày có khoảng 50-60 hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất. Hiện nay, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận khoảng 15-16 hồ sơ mua bán đất nhưng chủ yếu là lấy đất thu hồi nợ. Vì vậy, Phú Quốc không có chuyện sốt đất như nhiều người đồn thổi.
“Bây giờ một ngày tiếp nhận 20 hồ sơ mua bán đất là tối đa. Mua bán đất mà có 4-5 người đi theo thì sang tên để trừ nợ chứ mua bán gì”, một cán bộ đăng ký đất đai nói.
Lãnh đạo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Phú Quốc cũng khẳng định những người mua đất nền tại các khu tự phát trên đất nông nghiệp sẽ không được tách thửa và không thể chuyển mục đích sử dụng thành đất ở đô thị vì ngoài quy hoạch dân cư.
“Những người tự ý phân lô bán nền như vậy là gạt người dân. Đất không phù hợp với quy hoạch thì làm sao lên thổ cư để cất nhà được”, ông Bùi Đức Tiến khẳng định.
Đất nền tại Phú Quốc đang trong tình trạng “bội thực” vì nguồn cung quá nhiều mà nhu cầu thực lại quá ít. Song, sự phân lô tự phát, thiếu quy hoạch đồng bộ đã đặt ra một vấn đề lớn, một thách thức lớn cho công tác quản lý Nhà nước – Ông Đặng Đức Giới, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản Đặc Khu cho biết.